Giật mình, ngáy, nghiến răng…là những thói quen bình thường của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ nên tìm hiểu thêm về những hành vi khi ngủ của bé để kịp thời xử lý những tình huống xấu.
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh không phải lúc nào cũng yên bình. Trẻ thường hay rên rỉ và đạp đá trong khi ngủ, và điều này khiến cho những vị phụ huynh mới cảm thấy lo lắng.
Nếu để ý, các mẹ sẽ thấy trong lúc ngủ, bé thường xuyên phát ra những tiếng rên như tiếng khóc, đôi khi giật mình. Hoặc mẹ cũng có thể quan sát thấy thi thoảng hơi thở của bé đột ngột bị gián đoạn.
Tất cả những biểu hiện trên đều là những hiện tượng hết sức bình thường, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, cha mẹ nên quan sát con cẩn thận để nhận biết tình trạng bất thường của trẻ.
1. Hay giật mình và quấy khóc
Các bé nhỏ thường có tình trạng giật mình, quấy khóc về đêm. Việc bé giật mình giữa đêm nhiều lần thường làm cho các bà mẹ lo lắng cho sức khỏe các bé. Thông thường với những bé mới sinh dưới 6 tháng tuổi các bé sẽ thường xuyên thức giật vài lần trong đêm để “ti mẹ”. Điều này là một tình trạng hoàn toàn bình thường nên các mẹ không cần phải lo lắng quá nhiều.
Trong 2 tháng đầu sau sinh nhiều bé thường thức và quấy khóc gần như suốt đêm. Đến khoảng 3 tháng tuổi các bé sẽ ngủ tương đối dài hơn, với các bé khỏe mạnh thì thường chỉ cần được ôm, vỗ về các bé sẽ nhanh chóng quay trở lại giấc ngủ.
Đến khi bé được khoảng 7-8 tháng thì việc bé quấy khóc vào ban đêm có thể là do bé đang trong giai đoạn mọc răng hoặc học bò nên sẽ dễ bị hoạt động quá mức vào ban ngày khiến cho ban đêm bé bị khó ngủ, thường xuyên quấy khóc.
2. Ngáy ngủ
Nếu bé nhà bạn thi thoảng ngáy ngủ hoặc tạo ra những âm thanh nghe giống như tiếng ngáy, kèm theo nhịp điệu ngáy đều đặn thì đây không phải là một hiện tượng đáng lo ngại. Phần lớn trẻ nhỏ ngáy ngủ khi bị nghẹt mũi do bị cảm lạnh. Nếu em bé bị cảm lạnh, mẹ hãy thử dùng bình bay hơi hoặc dụng cụ làm ẩm để bé thở thoải mái hơn.
Tuy nhiên, mẹ để ý nếu thấy bé thường xuyên ngáy thì đây lại là một vấn đề cần quan tâm. Nếu bé ngáy theo từng hồi một (thi thoảng có gián đoạn), và kèm theo đó là những tiếng thở hổn hển, rất có thể đường không khí của bé bị tắc nghẽn. Đây là một hiện tượng “ngưng thở khi ngủ” – một căn bệnh mãn tính.
Một số trẻ ngáy ngủ là do dị ứng. Trong những trường hợp như thế này, cha mẹ nên cho bé ngủ trong phòng không có vật nuôi, ngoài ra cũng cần một chiếc máy làm sạch không khí. Nếu nhận thấy có dấu hiệu bất thường, bố mẹ nên đưa bé đi khám để nhận được lời tư vấn.
Nếu bé ngáy theo từng hồi một (thi thoảng có gián đoạn), và kèm theo đó là những tiếng thở hổn hển, rất có thể đường không khí của bé bị tắc nghẽn (Ảnh minh họa)
3. Nghiến răng
Hơn một nửa số trẻ sơ sinh có thói quen “nghiến” răng trong khi ngủ. Nghiến răng có thể xảy ra với trẻ nhỏ ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ sơ sinh khi mới bắt đầu mọc răng sữa (khoảng tháng thứ 6) và trẻ em trong giai đoạn mọc răng vĩnh viễn (thường bắt đầu khi bé được 5 tuổi).
Những nguyên nhân tiềm ẩn khiến bé hay nghiến răng có thể là do cảm giác khó chịu khi mọc răng mới, hoặc bé bị đau (đau tai, đau răng..), khó thở (nghẹt mũi…).
Tiếng “nghiến răng” phát ra từ miệng bé có thể khiến bạn rùng mình, tuy nhiên, nó lại không làm tổn thương hay làm mòn men răng của bé. Để cẩn thận hơn, cha mẹ nên đưa bé đi gặp nha sĩ để kiểm tra (cho bé đi khám răng lần đầu tiên khi được 1 tuổi).
4. Đổ mồ hôi
Một số trẻ sơ sinh trong lúc ngủ thường đổ rất nhiều mồ hôi và kết quả là khi thức dậy phần gáy của bé sẽ bị ướt. Bởi vì, nhiều bé dành quá nhiều thời gian để có thể đi vào giấc ngủ sâu nên chúng thường có xu hướng đổ mồ hôi suốt đêm nhiều hơn người lớn hay những đứa trẻ lớn tuổi hơn.
Trẻ đổ mồ hôi khi ngủ cũng được xem là một hiện tượng bình thường xảy ra, tuy nhiên nếu mồ hôi ra quá nhiều, cha mẹ cũng nên thận trọng. Đổ mồ hôi quá nhiều có thể là dấu hiệu của bệnh tim bẩm sinh, hay hội chứng ngưng thở khi ngủ (Trẻ thở một cách khó nhọc, dẫn đến đổ mồ hôi).
Nhiệt độ quá nóng cũng là một nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến hội chứng đột tử bất thường liên quan đến giấc ngủ (SIDS) ở trẻ nhỏ. Do đó, cha mẹ không nên cho bé mặc quá nhiều quần áo khi ngủ, giữ nhiệt độ trong phòng luôn ấm áp, dễ chịu, không quàng khăn cho bé khi ngủ.
5. Ngưng thở
Nếu quan sát kỹ và nghe nhịp thở của bé khi ngủ, các mẹ sẽ thấy có những lúc bé đột ngột thở nhanh hơn, sau đó chậm lại và ngừng hẳn trong vòng 15 giây trước khi trở lại nhịp thở bình thường.
Hiện tượng này thường gặp ở trẻ sơ sinh trong độ tuổi từ 1-6 tháng tuổi, nếu sau 6 tháng tuổi, bé vẫn bị ngưng thở khi ngủ, cha mẹ nên thông báo cho bác sĩ.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị SIDS, do đó cha mẹ vẫn nên đề phòng. Trong hầu hết các trường hợp, thói quen thở bất thường của trẻ sơ sinh không phải là vấn đề đáng lo ngại. Nhưng nếu trán, lưỡi, móng tay móng chân, môi của bé chuyển sang màu xanh, thì rất có thể bé đang gặp vấn đề về oxy.
Nếu lo sợ bé bị ngừng thở, các mẹ có thể chạm vào người bé hoặc di chuyển bé một cách nhẹ nhàng để xem bé có phản ứng gì không. Trong thời gian bé ngủ, cha mẹ có thể ngồi trông bên cạnh hoặc thăm non bé thường xuyên. Nếu phát hiện trẻ ngừng thở, hãy lập tức bắt đầu tiến hành hồi sức tim phổi, thực hiện hô hấp nhân tạo cho bé, sau đó cần chuyển gấp bé đến bệnh viện gần nhất.
6. Hay trở mình qua lại
Ban ngày nhiều bé quen được cho người lớn ngủ võng, nên ban đêm bé ngủ rất hay trở mình qua lại, trăn trở ngủ không thẳng giấc và ngon giấc dù trước khi ngủ bé đã bú no và rất buồn ngủ. Do đó, mẹ không nên cho bé nằm võng nhiều. Cần kiểm tra độ thoáng khí trong phòng và số người ngủ chung với bé, tốt nhất là chỉ nên 2 mẹ con nằm chung. Ban ngày, nhất là tối không nên chơi đùa nghịch quá sức thì khi ngủ bé luôn bị kích thích thần kinh.